Chuyên gia nhận định, dòng vốn dồi dào vẫn đang đổ vào thị trường BĐS
Chia sẻ về hướng phát triển của thị trường hậu Covid-19, ông Nguyễn Quốc Anh, cho biết, thế mạnh của bất động sản Việt Nam là nhu cầu về nhà ở, về giao dịch mua bán trong dân vẫn rất lớn, không hề suy giảm vì dịch bệnh. Trong thời điểm dịch bệnh, do việc hạn chế di chuyển và tiếp xúc nên các hoạt động mua bán nhà đất bị đình trệ tạm thời, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang kênh chứng khoán. Tuy nhiên kết thúc giãn cách, một lượng lớn tiền không nhỏ rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản để tìm cơ hội đầu tư. Dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Điều này sẽ tiếp tục là tiền để để thị trường BĐS thu hút dòng vốn lớn từ trong dân.
Nhu cầu về nhà ở là yếu tố quyết định dòng vốn sẽ tiếp tục đổ vào thị trường BĐS bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh.
Cùng lý giải sự nắn chảy dòng tiền đầu tư đang hướng vào bất động sản, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc thị trường CBRE Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào bất động sản, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn.
Dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 11 tháng đầu năm 2021, bất động sản đứng thứ 3 trong danh sách các ngành thu hút vốn FDI với 2,41 tỷ USD. Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản.
Còn số liệu tổng hợp của VnDirect, trong quý 3/2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý trước. Có 88 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 107.944 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tỷ lệ phát hành thành công đạt 63,4%. Bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 46,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước. Thực tế, giá cổ phiếu bất động sản từ đầu năm đến nay tăng tới 27%, gần tương đương mức tăng chung của thị trường chứng khoán (tăng 29%). Trong tháng đầu năm với 81 doanh nghiệp đã niêm yết lên sàn, chiếm tỷ trọng 1,3 triệu tỷ đồng, chỉ đứng sau cổ phiếu khối ngân hàng.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, xét về nguồn vốn tư nhân, trong 9 tháng cả nước có khoảng 5.800 doanh nghiệp mới trong ngành BĐS thành lập, tăng 12% so với cùng kỳ, vốn đăng ký đạt 343.000 tỉ đồng, tạo 35.000 việc làm mới. Có 1.160 doanh nghiệp bất động sản đã hoạt động trở lại, tăng 14% so với cùng kỳ. Về tình hình cấp tín dụng, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính đến ngày 30/9 cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng (tính đến 30/6/2021 là 672.224 tỷ). Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở chiếm tỷ lệ cao nhất với 24,7%, đạt 168.687 tỷ đồng.
Bên cạnh các kênh huy động vốn vào BĐS không giảm, dòng vốn trong dân đổ về thị trường này cũng rất nhiều. Dòng vốn vào BĐS vẫn đã và đang trên đà tăng lên, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng mạnh. Kỳ vọng sắp tới là thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng phát triển thì thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng cú hích từ việc này. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công 2,87 triệu tỉ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng và phải linh hoạt hơn. Ông Lực cho biết, hiện nay nguồn vốn đổ vào ngành bất động sản và chứng khoán dẫn đầu các ngành hồi phục sau đại dịch. Nhìn chung, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn trong trung và dài hạn.
Hạ tầng đang được mạnh tay đầu tư trong các năm tới sẽ tạo động lực để dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường nhà đất.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Khang, CEO của LDG Investment nhận định, kênh bất động sản vẫn là một trong số ít các kênh đầu tư có lợi nhuận cao nhất. Trong cơ cấu kinh tế hiện nay, đóng góp của ngành bất động sản khoảng 21 tỷ USD chiếm 7,7% GDP. Trong khi đó, kỳ vọng của Chính phủ đến năm 2025, ngành này phải đóng góp khoảng 54 tỷ USD chiếm khoảng 10% GDP. Do đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và tăng lợi nhuận cao. Vừa qua, hàng loạt đại dự án vốn lên đến hàng tỷ USD được các tập đoàn bất động sản đầu tư xây dựng tại các đô thị lớn của Việt Nam làm cho dòng vốn đầu tư vào bất động sản tăng nhanh. Nhiều người đánh giá trong trung và dài hạn, bất động sản tại Việt Nam hứa hẹn thu hút dòng vốn lớn.
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nhưng lượng tiền trong dân vẫn còn rất nhiều. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói tiền trong dân còn rất nhiều là chính xác. Nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành 70-80% tỉ lệ tiêm vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm Covid-19 tạo ra nhiều vùng xanh an toàn. Đồng thời, kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Đây là tiền đề để bất động sản tái khởi động và xác lập lại thị trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, dòng vốn đầu tư và nhu cầu mua bán trên thị trường BĐS sẽ chuyển dịch ra sao, loại hình BĐS và những khu vực nào sẽ trở thành điểm nóng đầu tư trong năm 2022? Những câu hỏi này sẽ sớm được các chuyên gia trả lời tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam – VRES 2021. Sự kiện được tổ chức trực tuyến trong thời gian từ 13/12 -17/12/2021.
Reader Comments
Older articles
Bức tranh hạ tầng đa sắc màu ngày càng hoàn thiện chào đón “thành phố mới Lagi”
Sau khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 2018, hiện nay thị xã La Gi...
Cuộc đua phát triển đại đô thị tại thị trường Đồng Nai
Là một trong những thị trường BĐS sôi động nhất khu vực phía Nam, thời gian qua...