“Lấn cấn” trong việc xử phạt nhà thầu thi công xây dựng không mua bảo hiểm theo quy định
Hoạt động của nhà thầu thi công xây dựng luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhằm hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình thi công của nhà thầu thi công xây dựng có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều bên liên quan, pháp luật về xây dựng cũng đã quy định về vấn đề mua bảo hiểm của nhà thầu thi công xây dựng. Thoạt nhìn, chúng ta thấy vấn đề này có vẻ như “quá hiển nhiên” vì đã có quy định bằng Luật thì phải có chế tài để xử lý các chủ thể của quy định khi vi phạm các quy định đó. Thực tế lại cho thấy một cái nhìn khác, không phải cứ có chế tài là xử lý vi phạm được.
Như chúng ta đã biết, Luật Xây dựng và các văn bản liên quan đều quy định về nghĩa vụ mua các loại bảo hiểm của nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gồm: Nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin được đề cập đến vấn đề mua bảo hiểm của nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Mặc dù, khoản 1 Điều 26 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở có quy định:
“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với nhà thầu thi công xây dựng công trình có một trong các hành vi:
a. Không trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động trong công trường xây dựng; lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công mà không có biện pháp bảo đảm an toàn lao động;
b. Không có biển báo an toàn; không có phương tiện che chắn;
c. Không mua các loại bảo hiểm theo quy định.”
Thế nhưng, trớ trêu thay Điểm h Khoản 2 Điều 76 của Luật Xây dựng lại chỉ quy định một cách rất chung chung: Nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ “ Mua các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm;”. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì phạm vi của bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
a) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách.
b) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật.
c) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
d) Bảo hiểm cháy, nổ.
Tuyệt nhiên, không một câu từ nào của Luật kinh doanh bảo hiểm đề cập tới nghĩa vụ bảo hiểm bắt buộc có liên quan tới các hoạt động xây dựng. Khoản 3 điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm cũng chỉ quy định: “Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định loại hình bảo hiểm bắt buộc khác”.
Chiếu theo các quy định vừa nêu trên thì rõ ràng là văn bản luật chuyên nghành (Luật xây dựng) có quy định về nghĩa vụ mua bảo hiểm của nhà thầu thi công xây dựng, văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghành hướng dẫn thi hành luật (Nghị định số 23/2009/NĐ-CP) có quy định về chế tài xử lý vi phạm. Nhưng, khi viện dẫn tới một văn bản luật có liên quan là Luật kinh doanh bảo hiểm để xác định đối tượng áp dụng thì văn bản luật này lại không hề đề cập. Do vậy, thực tế vẫn tồn tại những trường hợp, các cơ quan chức năng của địa phương khi tiến hành kiểm tra hoạt động của các nhà thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn phát hiện các nhà thầu này không mua bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào như: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại của bên thứ ba, Bảo hiểm tai nạn con người… nhưng vẫn không thể xử phạt các nhà thầu vì còn “lấn cấn” đối tượng áp dụng cụ thể.
Hoạt động thi công xây dựng luôn thường trực tiềm ẩn các sự cố rủi ro liên quan tới tính mạng con người, rủi ro liên quan tới thiệt hại về tài sản của chủ đầu tư, rủi ro liên quan tới thiệt hại về tài sản của bên thứ ba… Thiết nghĩ, việc quy định cụ thể các đối tượng bảo hiểm bắt buộc đối với hoạt động của các nhà thầu trong hoạt động xây dựng là điều mà các cơ quan hữu quan cần quan tâm, kiến nghị, đề xuất lên cơ quan lập pháp để sớm giải quyết các “lấn cấn” vừa nêu. Hy vọng trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bảo hiểm trong hoạt động xây dựng là bảo hiểm bắt buộc để làm lành mạnh hóa các hoạt động xây dựng.
Đức Thịnh
Reader Comments
Older articles
Tổ chức đêm hội Trăng rẳm cho trẻ em xã Phú Xuân
Ngày 14.09.2018 Anh Tuấn Group tổ chức Đêm hội Trăng rằm đón tết Trung Thu...
Công ty CP đầu tư Anh Tuấn trao 500 triệu đồng cho Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa huyện Nhà Bè
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) Huyện...
LỄ KỶ NIỆM 7 NĂM THÀNH LẬP CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ ANH TUẤN
LỄ KỶ NIỆM 7 NĂM THÀNH LẬP CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ ANH TUẤN Ngày 10 tháng...
LỄ BÀN GIAO CĂN HỘ DỰ ÁN ANH TUẤN APARTMENT
Lễ bàn giao căn hộ đợt 1 - Tòa nhà B tại Dự án ANH TUẤN APARTMENT